Sonntag, 23. November 2008

Kỹ thuật trồng rau an toàn tự túc trong gia đình

Cách trồng rau gia đình

1. Chọn vị trí vườn: Nên dành riêng một khoảnh đất nhỏ để trồng rau, tốt nhất chọn nơi có nhiều ánh nắng, đủ nước tưới, gần nhà để dễ dàng chăm sóc thu hoạch và nên có hàng rào quanh vườn để tránh heo, gà, vịt... phá hoại. Thường kết hợp với hàng rào có sẳn xung quanh nhà.

2. Bố trí vườn: Tùy vào số người trong gia đình mà bố trí diện tích trồng rau thích hợp. Trung bình diện tích khoảng 25-36 m2, vườn rau gồm 3 líp bên trong, mỗi líp rộng 1 m, dài 3-4 m có thể trồng 2 loại rau; khoảng cách giữa các líp 0,4-0,5 m để đi lại. Các líp xung quanh rộng 0,5 m. Vườn rau này sẽ cung cấp liên tục 10-20 loại rau đủ ăn gia đình 4-5 người quanh năm.

3. Chọn cơ cấu cây rau: Cần nắm được các đặc tính sinh học của từng loại rau để bố trí địa điểm trồng phù hợp, giúp sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất.

* Rau trồng xung quanh bìa vườn:

- Kiểu thân leo, cần làm giàn như đậu đũa, đậu que, mồng tơi, mướp, dưa leo, khổ qua… và kiểu thân dạng buội như cà phổi, cà pháo, ớt, .. trồng một lần thu nối tiếp nhau nhiều lần.

- Cần nhiều ánh sáng để ra hoa trái, thời gian sinh trưởng dài khoảng 100 ngày. Thu hoạch từ từ nhiều lần, thời gian cho thu hoạch kéo dài 25-50 ngày, số lần thu hái 15-25 lần.

* Rau trồng phía trong vườn:

- Kiểu thân thảo gồm các loại rau ăn lá như cải xanh rau muống, cải ngọt, rau dền, cải củ, hành lá, hẹ, xà lách, rau gia vị (húng cây, húng nhũi, ngò gai, rau răm, húng quế, sả...).

- Thời gian sinh trưởng ngắn (35-45 ngày), số lần thu họach ít. Cây sinh trưởng không đòi hỏi nhiều ánh sáng và chất dinh dưỡng như rau ăn trái, có thể luân canh 2-3 vụ trong thời gian 100 ngày.

- Trồng xen: Để tận dụng đất đai, trồng những loại rau chịu rợp như bạc hà, giấp cá, lá lốt… có thể trồng phía dưới các giàn dưa leo, khổ qua, đậu đũa... mà không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng. Còn rau ưa nước như rau muống, rau cần nước, rau răm, rau ngò om... có thể trồng ở dưới rảnh đi lại hoặc gần mé nước cây sẽ tăng trưởng tốt.

- Luân canh: Bố trí những loại rau trồng khác nhóm với rau vụ trước để làm giảm thiệt hại do sâu bệnh gây ra (nhóm cải; nhóm cà ớt...; nhóm đậu; nhóm dưa bầu, bí...).


4. Cách trồng

- Thời vụ: Trồng quanh năm để có đủ lượng rau ăn cho gia đình. Tuy nhiên mùa nắng (Đông xuân) cây sinh trưởng thuận lợi, còn mùa mưa việc chăm sóc đòi hỏi kỹ lưỡng hơn.

- Giống: Nên chọn giống tốt, có thể mua giống lai F1 cho năng suất cao nhưng không giữ giống lại hoặc giống địa phương để có thể tự để giống lại cho mùa sau.

- Lên líp: Cao 15-25 cm, mùa nắng líp thấp hơn mùa mưa, kích thước líp thường rộng 1 m, dài 4-5 m, lối đi chăm sóc 0,5 m.

- Gieo trồng:

. Gieo thẳng: Gieo sạ đối với các loại rau ăn lá có hột nhỏ như rau dền, cải... Gieo theo hốc đối với đậu đũa, đậu que, đậu bắp.

. Gieo bầu: 10-12 ngày đem trồng đối với dưa leo, khổ qua, mướp (có thể gieo thẳng); 25-30 ngày đối với cà chua, cà phổi, ớt. Rãi tro và đậy rơm sau khi gieo. Cần có mái che cây con khi mưa lớn, dùng ni long trong suốt là tốt nhất, khi trời nắng phải dở mái che cho cây đủ nắng.

- Bón phân: rau thích đất tơi xốp nên bón nhiều phân hữu cơ (trung bình 3-6 kg/m2), bón nhiều càng tốt nếu không có đủ thì bón thêm rơm, lá cây mục. Tuy nhiên trong những giai đoạn cây tăng trưởng mạnh, ra hoa trái cần bổ sung thêm phân hóa học (khoảng 60-100g NPK/m2/vụ) hoặc tưới thêm phân hữu cơ pha đã được ngâm ủ, chuẩn bị trước vài tháng.

- Chăm sóc: cần tưới nước thường xuyên, trung bình 2 lần/ngày trong mùa nắng. Giở bỏ rơm khi hạt đã nẩy mầm.

- Phòng trừ sâu bệnh: tránh tối đa việc sử dụng thuốc hóa học vì tốn tiền và có hại cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình, nên thường xuyên theo dõi bắt sâu và diệt ổ trứng bằng tay hoặc phun thuốc thảo mộc như rễ dây thuốc cá, hột củ sắn, phun xà bông bột để diệt rầy. Trường hợp đặc biệt mới phun thuốc hóa học loại phân hủy nhanh, ít độc cho người, gia súc và cách ly ít nhất 10 ngày sau khi phun mới thu hoạch rau để ăn.

- Thu hoạch: đối với rau ăn lá ngắn ngày nên thu tỉa dần từ lá gốc lên để kéo dài thời gian thu hoạch, nên thu đúng lứa để rau non, mềm có phẩm chất ngon đồng thời ít ảnh hưởng đến các lứa sau.